TIN TỨC

Hướng dẫn một số cách chế tạo thuốc trừ sâu sinh học đơn giản

 Cách chế tạo thuốc trừ sâu sinh học đơn giản

Ngày nay, thuốc trừ sâu có thành phần hóa học được sử dụng ngày càng rộng rãi, và đang dần trở nên mất kiểm soát do tác dụng diệt sâu bọ nhanh chóng, gọn gàng. Nhưng cũng vì hiệu quả “nhanh như chớp” này mà độ độc hại của chúng cao hơn, ảnh hưởng lớn tới con người và các sinh vật có ích. Vì vậy thuốc trừ sâu sinh học ra đời, nhằm khắc phục các nhược điểm nguy hại của thuốc trừ sâu sinh học. 

           

1. Tác hại của thuốc trừ sâu hóa học

Khi sử dụng loại thuốc trừ sâu hóa học sẽ có nhiều tác hại đối với con người và môi trường. Khi xịt cho cây trồng lượng thuốc tồn đọng lại trong môi trường và tồn tại rất lâu, rất khó bị phân hủy, ngoài ra còn có khả năng tích lũy sinh học theo chuỗi thức ăn làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đồng thời cũng gây ảnh hưởng nặng đến môi trường, đặc biệt là môi trường đất, sau đó là nguồn nước ngầm và không khí.  

Trong bối cảnh của sự tràn lan các loại thuốc trừ sâu hóa học, các nhà nghiên cứu đã sáng chế ra phương pháp trừ sâu bằng thuốc trừ sâu sinh học, một giải pháp có thể khắc phục được các nhược điểm của thuốc trừ sâu hóa học. 

2. Thuốc trừ sâu sinh học là gì?

Thuốc trừ sâu sinh học là các loại chế phẩm có nguồn gốc sinh học, hay còn có cách nói khác là nguồn gốc hữu cơ, có khả năng phòng trừ các loại sâu, bọ gây hại cây trồng nhưng lại rất an toàn với sức khỏe con người và môi trường đất.

Thuốc trừ sâu sinh học được chia thành hai nhóm chính, đó là: 

  • Nhóm thuốc thảo mộc: Thành phần giết sâu là các chất độc có trong cây cỏ hoặc dầu thực vật. 
  • Nhóm thuốc vi sinh: Thành phần giết sâu là các vi sinh vật như nấm, vi khuẩn, virus. ​            

3. Một số cách chế tạo thuốc trừ sâu sinh học dễ làm và vô cùng hiệu quả:

  • Thuốc trừ sâu sinh học làm từ chanh tươi: gọt vỏ chanh và cho vào nước đang đun sôi, ủ dung dịch qua đêm và chiết nước ra bình xịt. Xịt trực tiếp lên thân rệp sẽ diệt được rệp triệt để.

  • Thuốc trừ sâu sinh học làm từ tỏi: nghiền nát 5 củ tỏi với 500ml nước để ủ trong nơi mát 24 giờ, pha loãng với 4 lít nước khi phun. Phương pháp này có hiệu quả kinh tế cao vì chi phí thấp và khẳ năng tiêu diệt sâu bệnh rất tốt.

  • Thuốc trừ sâu sinh học làm từ ớt: nghiền nát 6-10 trái ớt rồi ngâm qua đêm, trộn thêm dung dịch tỏi hoặc dung dịch xà phòng tự nhiên khi phun xịt để tăng hiệu quả. Loại dung dịch này diệt được hầu hết các loại sâu bệnh, đặc biệt là sâu bệnh của cây ăn quả và rau gia vị.

​          

Trước khi phun xịt, người nuôi trồng nên thử nghiệm các loại thuốc trừ sâu hữu cơ này trên một mảng nhỏ của vườn trước khi phun trên diện rộng. Cần phải có thời gian quan sát khoảng 2 ngày  để xác định rằng thuốc này hiệu quả và không gây hại cho cây trồng. Ngoài ra, không được phun xịt thuốc trừ sâu sinh học khi trời nắng nóng oi bức bởi điều này sẽ làm cháy hoặc làm chết cây trồng.

4. Lợi ích khi sử dụng thuốc trừ sâu sinh học

Dùng thuốc trừ sâu sinh học không gây độc hại với con người và các sinh vật có ích nên có thể phương pháp này góp phần bảo vệ được sự cân bằng sinh học trong tự nhiên. Bên cạnh đó, thuốc trừ sâu sinh học còn mau phân hủy trong tự nhiên, ít để lại dư lượng độc trên cây trồng. Với những lợi ích mang lại, thuốc trừ sâu sinh học sẽ giúp người nông dân đạt được hiệu quả vô cùng cao trong canh tác cây trồng.

TIN CÙNG CHỦ ĐỀ